Đó chính là võ sư Oyama Masutatsu (1923-1994), người sáng lập trường phái Kyokushinkai Karate, một trong những trường phái Karate có uy lực thực dụng được người phương Tây đặc biệt yêu thích.
Ở Nhật Bản, người ta dùng danh xưng “Võ sĩ mạnh nhất thế giới thế kỷ 20” để nói về Oyama Masutatsu, thậm chí nhiều người gọi ông là “Thiên hạ vô địch của mọi thời đại”
Sở dĩ ông được gắn những biệt danh đó là bởi ông là người duy nhất của Nhật Bản (và cũng rất hiếm có của thế giới) mà vào thời của mình chấp nhận mọi lời thách đấu bất kể từ ai mà không một lần bại trận.
Từ Karate đến kiếp sống giang hồ
Vốn là người gốc Hàn Quốc nhưng sang Nhật Bản sinh sống, từ nhỏ, Oyama đã theo học Judo và quyền Anh.
Nhưng cơ duyên hạnh ngộ với võ sư Funakoshi Gichin và hệ phái Shotokan Karate mới thật sự rẽ võ nghiệp của Oyama sang một bước ngoặt mới.
Sau khi bén duyên Karate, với năng khiếu bẩm sinh đã khiến Oyama đạt được nhị đẳng huyền đai chỉ sau 2 năm tập luyện.
Sau đó Oyama theo học hệ phái Goju-ryu Karate với võ sư So Nei Chu người Triều Tiên (từng vô địch quyền Anh của 6 trường đại học vùng Kansai, Nhật Bản).
Khi gia nhập quân đội năm 20 tuổi, Oyama đã mang huyền đai đệ tứ đẳng Karate. Cũng trong những năm này Oyama quan tâm trở lại Judo, tiếp tục theo rèn tập và lại đạt tới tứ đẳng huyền đai chỉ sau 4 năm.
Võ sư Oyama Masutatsu
Năm 1945, thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến 2 cùng ước vọng trở thành sĩ quan lục quân tan vỡ đã trở thành những cú sốc giáng mạnh vào cuộc đời Oyama Masutatsu.
Bế tắc, Oyama đã sống những ngày giang hồ, ông lang bạt khắp nơi và thường xuyên gây gổ với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật.
Rất nhiều lần, ông đã đánh gục những lính Mỹ khi chứng kiến chúng hiếp đáp phụ nữ Nhật Bản. Cũng không ít lần, ông thẳng tay nện những tên vô lại trên đường phố trung tâm Tokyo.
Mặc dù không bị truy tố nhưng việc dùng Karate gây ra cái chết của một kẻ du đãng cũng khiến Oyama khủng hoảng nặng nề muốn từ bỏ vĩnh viễn võ nghiệp.
Trong những ngày này, võ sư So Nei Chu đã gợi ý Oyama nên “quy ẩn giang hồ” để tránh khỏi tai họa trong vòng 3 năm nhằm phát triển võ công và khí công.
Hai lần lên núi luyện công
Vào năm 1946, bất chấp những lời đàm tiếu về chuyện cố học võ trong thời đại bom nguyên tử, Oyama Masutatsu nói: "Tôi có thể trở thành một thằng ngu trong 80 triệu dân Nhật Bản cũng chẳng sao!".
Ông lên núi Minobu tại Yamanashi, thuộc tỉnh Chiba để quy ẩn và tu luyện.
Ngọn núi này chính là nơi võ sĩ samurai Miyamoto Musashi (1584-1645) từng sáng lập hệ phái song kiếm Hyoho Niten Ichi-ryu (hay Nito-ryu).
Do đặc biệt tôn kính võ sĩ tiền bối Miyamoto Musashi nên Oyama quyết định chọn nơi này để luyện võ. Oyama đi cùng một người nữa đó là một sinh viên tên Yashiro.
Nhưng sau 6 tháng tập luyện trong hoang lạnh và cô độc, có những lúc lạnh đến cắt da cắt thịt, Yashiro đã bỏ trốn vào một đêm khuya vì không chịu đựng thêm được nữa.
Màn "Thiết sa chưởng" của Oyama Masutatsu.
Điều đó khiến cho Oyama căng thẳng và nhiều lúc tưởng không sao thắng được ý định hạ sơn.
Thêm vào đó, một thời gian sau ông bị người bảo trợ cắt toàn bộ trợ cấp. Bất đắc dĩ, Oyama đã xuống núi sau 14 tháng quy ẩn.
Năm 1947 Oyama tham dự giải đối kháng tại Đại hội võ thuật Nhật Bản ở Kyoto và đoạt chức vô địch, sau khi so găng với một võ sĩ có sở trường là cú đá vòng cầu thần tốc từng vô địch Nhật Bản.
Dù vậy, Oyama vẫn cảm thấy trống rỗng trong tâm vì chưa hoàn thành 3 năm quy ẩn giống như lời dạy của sư phụ.
Sau khi biết đệ tử xuống núi, người thầy So Nei Chu đã viết thư động viên Oyama cố gắng hơn trong nỗ lực để không chỉ trở thành một võ sư Karate mạnh nhất Nhật Bản mà còn phải làm chủ được cả thể xác và tinh thần.
Nghe lời sư phụ, Oyama đã quyết định vào núi Kiyosumi tỉnh Chiba, một ngọn núi hoang sơ rất thích hợp cho việc luyện tập nội công, tiếp tục tu luyện vào năm 1948.
Lần quy ẩn thứ hai này, với ý chí cao độ "nhất tâm kiên cường", Oyama chỉ mang theo hành lý quan trọng nhất là bộ sách về võ học của Yoshikawa Eiji.
Trong thời gian này, ông luôn dậy rất sớm từ 4 giờ sáng rồi ngâm mình trong dòng suối gần đó, chạy về lều và tập tạ để luyện thể lực, ăn uống và đọc sách.
Sau đó, vào 4 giờ chiều cho tới đêm khuya chàng luyện các đòn quyền, cước trên những thân cây đã quấn rơm quanh lều.
Để chống chọi lại cảm giác đơn độc trong đêm khuya trên núi không một bóng người, Oyama viết câu "bình tĩnh và hành động".
Ông còn vẽ một vòng tròn trên giấy dán lên bức vách lều, nhìn chăm chú để thống nhất thân tâm; ngồi quỳ dưới thác nước giá lạnh; treo mình trên những chùm rễ cây lơ lửng trên miệng vực và liên tục tấn công vào thân cây bằng những đòn kata.
Màn tay không khuất phục bò mộng của Oyama Masutatsu.
Đặc biệt, Oyama nghĩ ra việc ngăn chặn ý định xuống núi bằng cách cạo rụng một bên lông mày và để râu tóc mọc tự do nhằm trở thành một con người kỳ dị xa lạ với thế giới của những con người bình thường.
Khoảng 3 tháng sau khi lông mày mọc ra như cũ ông lại cạo phía bên đối diện. Oyama còn học theo các ninja ngày xưa, luyện các kỹ pháp bật nhảy, nhào lộn để tăng sự dẻo dai của cơ thể.
Ông tập bằng cách trồng cây tầm ma, một loại cây có sức sinh trưởng mạnh, cắt ngọn còn độ hai thước và tập nhảy qua mỗi ngày 300 lần theo sự phát triển của cây; đồng thời luyện công phá cạnh tay và nắm đấm vào đá sỏi.
Khoảng một năm rưỡi sau đó, ngày Oyama xuống núi, những cây cối quanh căn lều của đã trơ trọi, chết rụi vì những đòn quyền cước và bên lều, một đống đá nát vụn đã chất cao lên như núi.
Tái xuất giang hồ và những kỳ tích công phu
Năm 1950, Oyama Masutatsu quyết định xuống núi. Ngay lập tức, ông khiến mọi người choáng váng sau trận tử chiến với một con bò mộng rất hung dữ tại thành Tateyama huyện Chiba.
Bắt đầu từ đây, Oyama đã trở thành huyền thoại vì những kỳ tích công phu từng dùng tay không hạ sát 47 con bò mộng hung dữ với 4 con chết tại chỗ và những con khác bị gãy sừng vì cú chặt cạnh bàn tay.
Để thực hiện những màn công phu này, không hiếm lần Oyama đối mặt với tử thần.
Năm 1957 ở tuổi 34, Oyama suýt chết tại Mexico khi một con bò nổi điên vòng ra sau lưng húc, kéo lê và giày xéo lên người ông khi ông đã ngã xoài ra trên mặt đất.
Oyama đã cố gắng hạ con bò và chặt gãy sừng nó nhưng sau đó phải nằm liệt giường 6 tháng trong khi chờ những vết thương hồi phục.
Năm 1952, Oyama Masutatsu sang Mỹ và nhận lời thách đấu trực tiếp trên truyền hình 7 trận và toàn thắng, trong đó có một số là nhà vô địch boxing và võ tự do.
Năm 1955, sau khi biểu diễn đòn shuto chặt bay cổ chai rượu Whisky dựng đứng mà phần thân chai bên dưới không bị đổ, ông được công chúng Mỹ đặt danh hiệu "god hand" ("Thần thủ" hay "Thánh thủ").
Về sau một số đệ tử của ông tại võ đường Kyokushin Karate đã học tuyệt chiêu này của ông và cũng luyện thành công.
Đặc biệt, năm 1964 các võ sư Muay Thái đã thách đấu với Karate Nhật Bản. Giới Karate Nhật từ chối vì cho Muay là một loại võ công "tà đạo".
Nhưng để giữ thanh danh cho môn phái trước những lời khiêu khích từ phía đối thủ, Oyama nhận lời và cùng với ba môn đệ là Kurozaki, Nakamura, Ozawa sang Bangkok giao đấu.
Kết quả, đội của Oyama thắng 2 trong 3 trận, giữ uy tín cho Karate. Đặc biệt nhất chính là trận đấu Ozawa hạ nhà vô địch Muay Thái với một cú đấm sấm sét.
Kể từ lần du đấu đó, trong suốt cuộc đời của Oyama Masutatsu, ông đã đến 32 quốc gia, giao đấu với trên 270 võ sĩ tài danh và rất nhiều người trong số đó bị ông hạ gục chỉ với một cú đấm duy nhất.
Bất chấp rất nhiều môn phái khác nhau từ boxing, Muay Thái, nhu thuật Brazil hay võ tổng hợp, ông đều đánh bại thuyết phục.
Trong đó, một trận đấu thường không kéo dài quá 3 phút, và cũng không hiếm khi chỉ vẻn vẹn vài giây.
Oyama được coi là võ sĩ mạnh nhất thế giới thế kỷ 20 và cho đến nay, dường như chưa có một hậu bối nào vượt qua được thành tích được võ sĩ người Nhật Bản này.
Theo Trí Thức Trẻ