Articles by "Kim-Dung"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Kim-Dung. Hiển thị tất cả bài đăng

Lịch sử Trung Hoa cổ đại có rất nhiều bậc quân sư đã để lại cho người đời sau muôn phần khâm phục. Nhiều trong đó là những bậc anh tài kiệt xuất, tiếng tăm lẫy lừng, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù rất khó để tìm ra được người giỏi nhất trong tất cả các vị quân sư này nhưng 7 cái tên sau đây có thể xem là những cái tên nổi bật nhất Trung Hoa cổ đại.

1. Khương Tử Nha (1156 - 1017 TCN)

Khương Tử Nha
Quân sư kiệt xuất Khương Tử Nha
Khương Tử Nha, nguyên họ tên là Khương Vọng, còn tên là Tử Nha, vốn thuộc thị tộc mang huyết thống họ Khương, sau thiên cư sang đất Lã (phía Tây Nam Dương, Hà Nam ngày nay) nên đổi sang họ Lã. Khi làm Thái sứ triều Chu, được tôn xưng là Sư Thượng phu (người cha tôn kính của quân đội) nên đời sau gọi ông là Lã Thượng. Ông phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương, đồng thời cũng là người gây dựng nên nước Tề, nhờ có công mà ông được phong cho đất Tề và trở thành thủy tổ của nước Tề thời Chu. Trở thành Quốc Quân một nước chư hầu, Lã Thượng đã thi hành một chính sách sáng suốt và khôn khéo để thu phục lòng người, như tôn trọng phong tục bản địa, đơn giản mọi lễ nghi phiền toái, mở mang công thương nghiệp, khai thác nguồn lợi của nghề đánh cá, làm muối... . Tề sau này trở thành một nước mạnh suốt trong thời Tây và Đông Chu là nhờ công khai sáng của Lã Thượng.
Trong lịch sử Trung Hoa, Khương Tử Nha là nhà chính trị, nhà quân sự và mưu lược nổi tiếng nhất. Khương Tử Nha thọ đến 139 tuổi. Dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền câu nói rằng "Khương Thượng trước, Tôn Tẫn sau, năm trăm năm trước Gia Cát Lượng, năm trăm năm sau Lưu Bá Ôn".
Đã có nhiều truyền thuyết được lưu truyền xung quanh cuộc đời ông trước khi ông theo phò tá nhà Chu, hầu hết đều đề cập tới việc ''Lã Vọng là con cháu của một dòng họ quý tộc đã sa sút cuối đời Thượng, thời niên thiếu được hấp thụ nền giáo dục dành riêng cho giới quý tộc nên có học vấn uyên bác. Sau vì lận đận nhiều trong cuộc sống, không được vua Trụ trọng dụng, ông phiêu bạt khắp nước và rồi về ngồi câu cá bên Sông Vị để chờ thời". Điển tích này là đề tài cho bức tranh ông già buông cần câu bên Sông Vị. Sau Chu Văn Vương đi tới, gặp gỡ và đàm đạo, phát hiện ra ông là nhân tài xuất chúng liền đón về, phong làm Thái sư - chức quan cao nhất cả về quân sự và chính trị đầu đời Chu.

2. Tôn Tẫn

Tôn Tẫn
Quân sư kiệt xuất Tôn Tẫn
Tôn Tẫn là vị quân sư nổi danh thời Chiến Quốc, là hậu duệ của Tôn Vũ. Thuở niên thiếu, ông từng cùng với Bàng Quyên theo học binh pháp của Quỷ Cốc Tử. Sau khi Bàng Quyên làm tướng nhà Ngụy, liền đố kỵ với tài của Tôn Tẫn mà lừa gạt ông đến nước Ngụy rồi vu tội cho, khiến Tôn Tẫn bị chặt xương đầu gối (tẫn hình). Chữ Tẫn trong tên của ông xuất phát từ hình phạt này mà ra. Sau này ông được sứ giả nước Tề đưa về Tề Quốc. Tướng Tề là Điền Kỵ phục tài của Tôn Tẫn nên đã tâu với Tề Uy Vương phong ông làm thầy. Thời ấy, Tề Uy Vương đang tranh chấp cùng Ngụy nên muốn thu nhận hiền tài, coi trọng tài năng quân sự của Tôn Tẫn mà thu nhận ông làm quân sự. "Tôn Tẫn binh pháp" của ông là kế thừa tư tưởng quân sự của Tôn Vũ.

3. Trương Lương (250 - 186 TCN)

Trương Lương
Trương Hàm Dư vai Trương Lương trong phim "Hồng Môn Yến"
Trương Lương tự là Tử Phòng, là mưu thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Tần mạt, Hán sơ kỳ. Ông là người có công lớn trong khai quốc Hán Vương triều. Trương Lương được xưng là một trong ba người tài giỏi xuất chúng thời đầu nhà Hán (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà).
Do có công lao trong chiến tranh Hán - Sở, Trương Lương được Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) hết sức kính trọng và đánh giá: ''Bàn định mưu lược trong màn trướng, quyết định thắng lợi ngoài ngàn dặm, ta không bằng Trương Lương" và cho ông được chọn lấy một vùng có ba vạn hộ ở đất Tề để phong, nhưng Trương Lương từ tạ, chỉ xin nhận phong ở đất Lưu - một vùng nhỏ hẹp hơn nhiều là nơi mà Trương Lương gặp Lưu Bang ngày trước. Hán Cao Tổ liền phong ông là Lưu hầu.
Tài năng của Trương Lương trong việc phò tá Lưu Bang dựng nên nghiệp nhà Hán đã tỏ rõ ông có tầm nhìn chính trị xa rộng, năng lực phân tích tâm lý tinh tế, nhãn quan chiến lược sắc sảo và tài phân tích, thu phục lòng người khôn khéo.
Những năm cuối đời, Trương Lương sống như một ẩn sĩ. Khi viết Sử ký, nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên đã xếp những câu chuyện về ông vào phần Thế gialà phần dành cho những nước chư hầu, những người có địa vị lớn trong giới quý tộc, những nhân vật nổi tiếng như Trần Thiệp (tức Trần Thắng) hay Khổng Tử, trong khi chỉ xếp truyện về Hàn Tín vào phần Liệt truyện (những người hoặc sự kiện kém quan trọng hơn.

4. Gia Cát Lượng (181 - 234)

Gia Cát Lượng
Nhà tiên tri Gia Cát Lượng
Theo Bách khoa toàn thư mở, Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Ông là quân sư xuất chúng của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán. Gia Cát Lượng quê tại Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là nhà quân sự, chính trị, tản văn và nhà phát minh trứ danh trong lịch sử Trung Hoa với các chiến thuật quân sự nổi tiếng như Bát trận đồ(Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy).
Gia Cát Lượng được Lưu Bị mời ra làm quan, theo Lưu Bị trên khắp các chiến trường, thành lập Thục Hán và được phong làm thừa tướng. Năm 223 sau khi Lưu Bị chết, Lưu Thiền kế vị hoàng đế Thục Hán, Gia Cát Lượng được phong tước vị làm Võ Vương Hầu, trở thành người lãnh đạo quân sự chính trị quan trọng tối cao của Thục Hán. Sau khi qua đời, ông được phong làm Trung Võ Hầu nên người đời sau thường gọi ông là Gia Cát Võ Hầu hay Võ Hầu.

5. Vương Mãnh (325 - 375)

Vương Mãnh
Nhà quân sự nổi tiếng Vương Mãnh
Vương Mãnh tên chữ là Cảnh Lược, người Bắc Hải thời Đông Tấn. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự nổi danh của thời kỳ Thập lục quốc, thừa tướng của nước Tiền Tần, đại tướng quân, phụ tá Phù Kiên bình định thiên hạ, thống nhất phương bắc. Thuở nhỏ, Vương Mãnh sống trong cảnh nghèo khó nhưng yêu thích học tập, đọc sách binh pháp. Ông là người cẩn trọng, khí độ bất phàm, không câu nệ tiểu tiết, cũng hiếm khi hòa hợp với người khác, ít kết giao nên bị các học giả thời ấy khinh thường. Tuy nhiên, Vương Mãnh không vì thế mà cảm thấy buồn bã.

6. Triệu Phổ (922 - 992)

Triệu Phổ
Tượng Triệu Phổ
Triệu Phổ tự là Tắc Bình, là nhà chính trị kiệt xuất thời đầu Bắc Tống và cũng là mưu sĩ nổi danh trong lịch sử Trung Hoa. Triệu Phổ 3 lần làm tướng, nổi danh 1 triều, làm chính trị 50 năm, thọ 71 tuổi. Triệu Phổ ít đọc sách nhưng lại túc trí đa mưu. Ông chỉ có quyển "Bán bộ Luận ngữ trị thiên hạ".

7. Lưu Cơ (1311 - 1375)

Lưu Cơ
Quân sư tài ba Lưu Cơ
Lưu Cơ tự là Bá Ôn, sinh năm 1311 tại thôn Dương Võ, huyện Thanh Điền. Ông là nhà mưu lược quân sự kiệt xuất cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông vừa là nhà chính trị, tác gia và nhà tư tưởng, thông kinh sử hiểu thiên văn, tinh binh pháp. Ông là người Hán và là khai quốc công thần triều Minh.
Lưu Bá Ôn là công thần khai quốc của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học từng có truyền thống chiến đấu dũng cảm chống lại quân xâm lược Nguyên Mông trước đây. Nhờ chăm chỉ, đam mê đọc sách nên ông sớm làu thông kinh sử, văn chương, binh pháp và thiên văn. Năm Nguyên Thống thứ nhất đời Nguyên Thuận Đế (1333), ông thi và đỗ tiến sĩ, rồi được bổ làm quan, nhưng vì bị chèn ép, chỉ trích nên ông bỏ về ở ẩn năm 1360.
Từ sau khi trở thành mưu sĩ tài ba của Chu Nguyên Chương, ông đã giúp Chu Nguyên Chương lần lượt đánh bại các tập đoàn quân phiệt khác như Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành, nhiều lần biến nguy thành an. Các chiến thắng quan trọng ở thành Thái Bình, An Khánh, Giang Châu, hồ Bà Dương chống Trần Hữu Lượng, ở Kiến Đức chống lại Trương Sĩ Thành cũng như việc quy hàng của Phương Quốc Trân và nhiều thế lực địa phương khác đều do Lưu Bá Ôn bày mưu tính kế. Đặc biệt tại hồ Bà Dương, ông cùng với Chu Nguyên Chương trực tiếp chỉ huy cuộc chiến và đã một lần cứu thoát Chu Nguyên Chương khỏi bị đạn pháo của quân địch bắn trúng.
Theo Khoa Học

Chiếc đao của Quan Vũ có tên đầy đủ là Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Xem qua phim Tam Quốc Diễn Nghĩa có lẽ ai cũng biết đến chiếc đao này của Quan Vũ.

chiec dao cua quan vu nang bao nhieu can


Thanh Long Yển Nguyệt Đao là một loại đao thuộc Yển Nguyệt Đao. Thông qua khảo cổ khai quật được và căn cứ vào ghi chép trong lịch sử, thì Yển Nguyệt Đao xuất hiện vào thời nhà Tống. Do trọng lượng của chiếc đao này rất nặng nên nó thường được dùng để luyện tập cho sức mạnh của cánh tay, chứ không dùng trong chiến đấu.

chiec dao cua quan vu nang bao nhieu can
(Ảnh minh họa: Internet)

Trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” Thanh Long Yển Nguyệt Đao đã được Quan Vũ sử dụng làm binh khí trong chiến đấu. Chiếc đao này của Quan Vũ có trọng lượng 82 cân thời xưa, tương đương với 49,2 kg. Trong tiểu thuyết có viết, Thanh Long Yển Nguyệt Đao đã được thợ rèn đệ nhất thiên hạ làm ra, và nó chỉ được rèn vào ngày trăng tròn. Khi Thanh Long Yển Nguyệt Đao vừa được rèn xong, bỗng nhiên gió bão bắt đầu nổi lên, sau đó từ trên không trung rơi xuống 1780 giọt mưa máu. Các nho sĩ ở đó đã phân tích rằng, đó chính là máu của Thanh Long (con rồng màu xanh). Vì lý do đó mà nó đã được gọi với cái tên Thanh Long Yển Nguyệt Đao, và nó đã giết 1780 người.

chiec dao cua quan vu nang bao nhieu can
(Ảnh: Internet)

Trong trận chiến Hổ Lao Quan, Lã Bố đã nói: “Đánh nhau kịch liệt không phân thắng bại, trước trận chỉ sầu não trước Quan Vân Trường; Thanh Long Bảo Đao rực rỡ trong sương tuyết, Chiến bào Anh Vũ bay như cánh bướm”. Quan Vân Trường được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt đó đã đi sâu vào trái tim của biết bao người.

Quan Vũ cùng chiếc đao này đã giết không ít võ tướng, do đó người đời sau đã gọi Thanh Long Yển Nguyệt Đao là Quan Đao. Sau khi Quan Vũ chết, Thanh Long Yển Nguyệt Đao đã bị Phan Chương tướng lĩnh của Đông Ngô chiếm đoạt. Cuối cùng Quan Hưng con của Quân Vân Trường đã giết Phan Chương để trả thù cho cha và lấy lại chiếc Thanh Long Yển Nguyệt Đao này. Do đó Thanh Long Yển Nguyệt Đao và Quan Vũ đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời.

Theo Letu

Tần Thủy Hoàng là một nhân vật sáng lập thời đại mang đầy màu sắc truyền kỳ trong lịch sử Trung Quốc, cũng là một một nhân vật không ngừng được mọi người bàn luận.

Tần Thủy Hoàng (sinh tháng 1 hoặc tháng 12, 259 TCN – 10 tháng 8, 210 TCN) tên thật là Doanh Chính còn có tên khác là Triệu Chính là vua của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 TCN đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc và kế vị năm 13 tuổi, năm 39 tuổi thống nhất sáu nước kiến lập nên triều Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 trước Công nguyên sau khi tiêu diệt các nước chư hầu khác. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 trước Công nguyên ở tuổi 49.
Giải mã thân thế của Tần Thủy Hoàng
Thân thế của Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn là bí ẩn
Tự gọi mình là Thủy Hoàng Đế sau khi Trung Nguyên (Trung Quốc ngày nay) được thống nhất, Tần Thủy Hoàng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, mở ra gần hai thiên niên kỷ của hoàng gia cai trị Trung Quốc. Sau khi thống nhất, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt các cải cách lớn về kinh tế và chính trị. Ông đã tiến hành nhiều dự án khổng lồ, bao gồm việc xây dựng và hợp nhất các bộ phận của Vạn Lý Trường Thành, lăng mộ kích thước thành phố nổi tiếng được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước thật, và một hệ thống đường quốc gia lớn, với cái giá của rất nhiều mạng người.
Để đảm bảo sự ổn định, ông đặt ra ngoài vòng pháp luật và đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống một số học giả. Tương truyền ông là người tinh thông ngũ hành,từng nhiều lần dùng phép ngũ hành nhấn chìm các nước đối thủ,làm động đất thiệt hại cho Triệu quốc.
Giải mã thân thế của Tần Thủy Hoàng
Đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng
Sự thật thân thế của Tần Thủy Hoàng
Tần Thuỷ Hoàng nối ngôi vị của Tần Trang Tương Vương thân phận thái tử bước lên vương vị. Mẹ của Tần Thuỷ Hoàng là Triệu Cơ, theo truyền thuyết từng là ái cơ của Lã Bất Vi, sau dâng lên cho Tử Sở, được phong là Vương hậu. Thế thì, Tần Thuỷ Hoàng rốt cuộc là con của Tử Sở hay là con của Lã Bất Vi, vấn đề này người đời sau tranh luận không thôi.
          Trong Sử kí chép Thừa tướng nước Tần Lã Bất Vi vốn là cự phú ở Bộc Dương (Hà Nam), là một đại thương nhân xa gần đều biết tiếng. Nhưng ông ta không thoả mãn về địa vị và cuộc sống giàu có này, với dã tâm, ông rất thèm muốn vương quyền.
          Vì thế, Lã Bất Vi đã sắp xếp hành trang đến kinh đô Hàm Đan của nước Sở, chuyên tâm tính toán một âm mưu, tìm cách đem người cháu của Tần vương là Dị Nhân hiện làm con tin ở nước Triệu đưa về cho Hoa Dương phu nhân đang được Tần vương sủng ái để làm con thừa tự. Trong một khoảng thời gian ngắn, Dị Nhân được lập làm người kế ngôi, đổi tên là Tử Sở.
          Chẳng bao lâu trong nước sinh biến, Tần Chiêu Vương, Hiếu Văn Vương nối nhau qua đời, Tử Sở đường hoàng bước lên vương vị, Lã Bất Vi được phong làm Thừa tướng. Sau đó Lã Bất Vi đem ái cơ của mình là Triệu Cơ dâng lên cho Tử Sở. Triệu Cơ sinh Doanh Chính, được phong làm Hoàng hậu. Không ngờ Tử Sở tại vị chỉ được 3 năm rồi qua đời, vì thế con của ông ta là Doanh Chính đương nhiên kế thừa vương vị, đó chính là Tần Thuỷ Hoàng sau này.
          Lã Bất Vi cho rằng Doanh Chính là con của mình, bảo Doanh Chính gọi mình là “Trọng phụ”, tự mình nắm giữ chính sự cả nước, trở thành nhân vật chỉ dưới một người mà trên cả vạn người, một tay che lấp mặt trời, quyền hành khuynh loát cả trong triều ngoài nội, kế sách bí mật của Lã Bất Vi tại Hàm Đan đã được thực hiện.
          Nhận định về giả thuyết mối quan hệ giữa Lã Bất Vi và Tần Thuỷ Hoàng là cha con, nguyên nhân là:
Thứ 1: Có như vậy mới có thể nói Tần Thuỷ Hoàng không phải đích truyền của vương thất triều Trần, những người phản đối Tần Thuỷ Hoàng tìm được lí do để tạo phản.
Thứ 2: đó là sách lược đấu tranh chính trị của Trường Tín Hầu mà Lã Bất Vi áp dụng, mưu tính dùng tình cảm cha con để có được sự ủng hộ của Tần Thuỷ Hoàng, tăng cường lực lượng đấu tranh của mình.
Thứ 3: giải được nỗi hận Tần diệt 6 nước. Người của “lục quốc” Lã Bất Vi không cần động binh, chỉ dùng mưu kế đưa con mình bước lên vương vị nhà Tần, đoạt lấy giang sơn, nhân đó, cái hận diệt nước được tiêu trừ.
Thứ 4: tư liệu từ đời Hán trở đi đa số cho rằng Doanh Chính là con của Lã Bất Vi, đây là chỗ dựa lịch sử mà nhà Hán thay thế nhà Tần tìm đến, logique của họ là nội cung triều Tần ô uế như thế, làm sao cai trị được một đất nước, vì thế triều Tần nhanh mất là đương nhiên.
Giải mã thân thế của Tần Thủy Hoàng

Người đời sau cũng có người cho rằng các thuyết nêu trên hoàn toàn không có khả năng thành lập.
Thứ 1: nhìn từ phương diện Tử Sở, cho dù có âm mưu của Lã Bất Vi, nhưng tính khả năng thực hiện rất xa vời, bởi khi Tần Chiêu Vương tại vị, chưa chắc đã truyền vương vị cho Tử Sở, càng không thể nghĩ đến việc truyền cho đứa con tương lai của Tử Sở.
Thứ 2: từ ngày tháng ra đời của Tần Thuỷ Hoàng mà suy nghĩ, nếu Triệu Cơ trước khi tiến cung đã có thai, Tần Thuỷ Hoàng nhất định sẽ sinh không đúng kì tính từ lúc vào cung, đối với việc này Tử Sở không thể không biết. Có thể thấy, cha đẻ của Tần Thuỷ Hoàng phải là Tử Sở chứ không phải Lã Bất Vi.
Thứ 3: nhìn từ xuất thân của Triệu Cơ, cũng có điều để nói. Trong Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ có chép, sau khi Tần diệt Triệu, Tần vương đích thân đến Hàm Đan, cho giết hết những người có thù oán với mẹ của Tần vương. Triệu Cơ xuất thân hào phú, làm sao có thể trước làm ái cơ của Lã Bất Vi, sau lại được dâng cho Dị Nhân làm thiếp? Như vậy, sẽ không tồn tại việc Triệu Cơ mang thai với Lã Bất Vi lại được gã cho Dị Nhân.
Bí ẩn thân thế Tần Thuỷ Hoàng chỉ lưu lại những suy đoán cho người đời sau, nhưng thành ngữ “kì hoá khả cư” lại từ đó mà lưu truyền hậu thế.
Theo Khỏe và Đẹp

Không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, Cái Bang là bang hội từng tồn tại trong xã hội Trung Quốc đồng thời sở hữu những bí mật và các quy tắc ngầm ít ai biết tới.

Trong tiểu thuyết của Kim DungCái Bang còn được biết tới với danh hiệu “giang hồ đệ nhất Cái Bang”, có bang hội trải rộng khắp tứ phương, bốn biển.
Bang phái này từng sản sinh nên nhiều bậc đại anh hùng như Hồng Thất Công, Tiêu Phong, nhưng cũng có những kẻ là “ngụy quân tử” như Trần Hữu Lương, Trang Tụ Hiền,…
Trên thực tế, những người hành khất ở thời nào cũng có, nên Cái Bang là bang hội thực sự tồn tại chứ không chỉ có trong tiểu thuyết.
Những tổ nghề “nổi danh thiên hạ” và sự ra đời của “đả cẩu bổng”
Ăn xin bị coi là tầng lớp dưới cùng của xã hội, lấy việc hành khất làm kế sinh nhai. Tổ chức của những người này thường được biết tới với tên gọi Cái Bang.
Cái Bang xuất hiện ở các thành thị phồn thịnh từ thời nhà Tống. Mạnh Nguyên Lão trong cuốn “Tokyo mộng hoa lục” từng ghi lại: “Những người ăn xin này cũng có quy củ, chỉ cần hành động có chút buông lỏng liền bị xử trí.”
Tầng lớp này phát triển qua các triều đại Nguyên, Minh, đến thời nhà Thanh đã có số lượng tăng lên đáng kể. Mọi nghề trong thiên hạ đều có “tổ nghề” (người sáng lập) và Cái Bang cũng không ngoại lệ.
Những tổ nghề được các đệ tử bang hội thờ phụng gồm có Phạm Đan,Chu Nguyên Chương, Võ Tòng, Tần Quỳnh, Ngũ Tử Tư. Trong đó, Phạm Đan là vị sư tổ có “thần uy” lớn nhất, vì ông chính là người đã có công cứu mạng Khổng Tử.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, năm xưa Khổng Tử trên đường chu du liệt quốc, đi tới địa phận nước Trần thì cạn lương thực, liền được Phạm Đan cứu giúp mới tai qua nạn khỏi.
Khổng Tử để đáp lại ân tình của Phạm Đan đã nói: “Phàm là những nơi trên cửa có chữ viết, trên tường có tranh vẽ, trong nhà có nhiều sách, đều là đệ tử của ta, ông muốn gì cũng có!” Sau đó, Khổng Tử lại hỏi Phạm Đan: “Môn đồ của ông có đặc điểm gì?”
Phạm Đan nói: “Quần áo tả tơi, đầu tóc rối bời, chính là đệ tử của tôi", rồi hỏi lại rằng: “Nhà của đệ tử Nho gia đều có chó giữ cửa, làm thế nào để đối phó được?” Khổng Tử khi ấy nghiêm mặt đáp: “Chó cắn thì cầm gậy đánh!”
Chính vì vậy, những người ăn xin có thứ pháp bảo gọi là “đả cẩu bổng” (gậy đánh chó), còn được gọi với tên khác là “gậy xin cơm”.
 Đả cẩu bổng được biết tới như pháp bảo của Cái Bang (tranh minh họa).
"Đả cẩu bổng" được biết tới như "pháp bảo" của Cái Bang (tranh minh họa).
Về sự tích của “đả cẩu bổng”, dân gian còn lưu truyền một giả thuyết khác. Theo đó, loại pháp bảo này được truyền lại từ thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Năm xưa, Chu Nguyên Chương gặp cảnh nghèo túng, phải lưu lạc giang hồ, ăn xin dọc phố. Ông từng được hai người ăn mày cứu giúp, nên sau khi bình định tứ hải đã hạ lệnh tìm họ để báo đáp ân tình.
Được Hoàng đế ban thưởng chức tước, nhưng hai người ăn mày này từ chối.
Chu Nguyên Chương liền thưởng cho mỗi người một cây gậy gỗ dài một thước, phía trên có túi, hai bên có hình bông lúa, một cây gậy màu vàng, một cây màu xanh, đều có khắc chữ “Can”. Sau này, hai chiếc gậy đó được coi như tín vật của thủ lĩnh đứng đầu Cái Bang.
Cũng chính từ đây, hai nhánh của Cái Bang được hình thành. Những người theo phái “hoàng can” (gậy vàng) chủ yếu là các quý tộc gặp cảnh nghèo túng, bang chủ thường là vương công, bối lặc.
Những người này thường ngày sẽ không ăn xin trên phố, chỉ đến các ngày lễ tết trong năm mới đi khất thực.
Nhóm người theo “lam can” (gậy xanh) là những người khất thực bình thường. Họ thường đi thành nhóm hai người, một hát khúc, một gõ trống. Khi đến các cửa tiệm, chủ tiệm sẽ chủ động ra cửa đưa 5 đồng tiền.
Nếu không có thủ tục này, hôm sau sẽ là bốn người, sau đó là sáu người, tám người,…tìm đến cửa hàng. Số lượng hành khất tụ tập tại đây cứ vậy mà tăng theo cấp số nhân.
Họ cứ đứng vây trước cửa, không nói lời nào. Chủ quán muốn yên ổn làm ăn thì buộc phải “bố thí”.
Trên thực tế, những cây “đả cẩu bổng” phổ biến được sơn màu đỏ, bên trên có túi cũng màu đỏ, dùng để treo ở các nhà hoặc những nơi dễ thấy.
Tân bang chủ kế nhiệm đều phải cúi đầu hành lễ trước tranh vẽ tổ nghề và “đả cẩu bổng”. Những người muốn gia nhập Cái Bang cũng đều phải hành lễ trước cây gậy này.
 Bang chủ chính là người quyết định sự hưng, thịnh của Cái Bang (ảnh minh họa).
Bang chủ chính là người quyết định sự hưng, thịnh của Cái Bang (ảnh minh họa).
Những hình thức “xin tiền” không tưởng
Vì có số lượng thành viên đông đảo, phân bố rộng khắp, nên Cái Bang ở bất kỳ địa phương nào cũng sở hữu thế lực không nhỏ.
Các gia đình giàu có muốn tổ chức việc gì, trước nhất đều phải mời bang chủ Cái Bang đến dự, thậm chí còn an bài ghế trên cho ngồi.
Bang chủ đến nơi sẽ đem “đả cẩu bổng” treo ở cửa chính. Những người ăn mày khác biết bang chủ ở bên trong, cũng không dám gây rối, chủ nhà cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Ngược lại, nếu nhà có đại sự mà không mời bang chủ, những kẻ ăn xin sẽ tìm đến quấy rối, có cho tiền cũng không đuổi đi được. Lúc này, chủ nhà không còn cách nào khác, đành phải lạy lục xin hòa giải, tình nguyện bỏ ra một số tiền lớn để êm chuyện.
 Cái Bang cũng tồn tại những hình thức thu tiền dưới lốt ăn xin (ảnh minh họa).
Cái Bang cũng tồn tại những hình thức thu tiền dưới lốt "ăn xin" (ảnh minh họa).
Một số Cái Bang còn xưng hùng tại địa phương nhờ thân phận được thừa nhận chính thức. Theo đó, tiền của Cái Bang thu được cũng được chính quyền ngầm thừa nhận.
Các cửa tiệm muốn yên ổn làm ăn sẽ phải đóng một loại “phí bảo hộ” cho bang chủ. Sau đó, bang chủ sẽ xuất ra giấy tờ hoặc tín vật dán trên tường nhà để chứng minh “tính hợp pháp” của cửa tiệm.
Đây chính là “bùa hộ mệnh” cho các chủ tiệm tránh được “nạn ăn xin” để yên ổn làm ăn.
Phí bảo hộ ở mỗi địa phương lại có thời gian và quy định thu khác nhau. Khu vực trung du, hạ nguồn Trường Giang thường thu vào tháng 2 và tháng 8.
Vào thời Vãn Thanh, loại phí này thì mỗi năm tiến hành thu hai lần, lần thứ nhất là 3000 đồng, lần thứ hai là 2000 đồng.
Ăn mày cũng phải có… luật lệ!
Nếu muốn hành nghề ăn xin tại một khu vực nào đó, người này nhất định phải được Cái Bang ở địa phương thu nhận.
Ăn mày muốn gia nhập bang phái sẽ phải được hai người là “Văn Võ tiên sinh” tiến cử, sau đó tiến hành bái sư thì mới được chính thức công nhận và hành nghề.
Nghi thức bái sư ở mỗi địa phương lại có sự khác biệt. Có nơi chỉ cần tiến hành thắp hương, cúi đầu bái trước sư tổ Phạm Đan và sư phụ là xong nghi thức, có nơi lại tiến hành nhiều nhiều khâu tương đối rườm rà, quy củ.
 Người muốn hành nghề khất thực trước hết phải tiến hành bái sư để gia nhập Cái Bang (ảnh minh họa).
Người muốn "hành nghề" khất thực trước hết phải tiến hành bái sư để gia nhập Cái Bang (ảnh minh họa).
Ở Hán Khẩu, những người muốn gia nhập Cái Bang phải trải qua một thời gian thử thách, đạt yêu cầu mới được tiến hành bái sư.
Nghi thức bái sư sẽ được cử hành trong hương đường (nhà thờ tổ). Sư phụ sẽ đứng cạnh bàn thờ, hai bên là “Văn Võ tiên sinh”. Đồ đệ sẽ quỳ gối lên một cây gậy để tuyên thệ.
Tiếp đó, sư phụ sẽ lần lượt cầm các công cụ hành nghề gồm có ống trúc (dùng để móc mắt), nước (để lấy máu), cờ (dùng để “hành lệnh”). Đồ đệ phải trả lời đúng công dụng của những đồ vật này thì mới hoàn thành nghi lễ nhập bang.
Khi gia nhập bang phái, người ăn mày trước đó có của nải gì đều phải giao nộp cho sư phụ. Sư phụ sẽ dùng số tiền này để mua thêm quần áo cho đồ đệ vào mùa đông, mua thuốc chữa bệnh hoặc mai táng cho những đồ đệ xấu số.
 Trên thực tế, nghề ăn mày cũng có rất nhiều luật lệ, quy củ nghiêm ngặt. (tranh minh họa).
Trên thực tế, "nghề ăn mày" cũng có rất nhiều luật lệ, quy củ nghiêm ngặt. (tranh minh họa).
Cái Bang ở các nơi có nhiều điểm bất đồng, nhưng quy củ lại rất thống nhất.
Theo đó, hành khất thì không được trộm cắp, không được ăn nói xằng bậy, không được nghe lỏm chuyện gia sự của người khác, chỉ được ăn xin ở cửa vào hoặc cổng chính, không được xông vào nhà,…
Thời Dân quốc, ở Hán Khẩu còn đặt ra 10 điều bang quy cho Cái Bang. Trong đó có những điều cấm như: cấm qua lại với gái làng chơi, cấm làm nội gián, cấm gây xích mích tạo thị phi…
Nếu vi phạm những điều này, đệ tử Cái Bang nhẹ thì bị phạt quỳ rồi dùng roi gai đánh, nặng thì móc mắt, chặt tay chân, cắt lưỡi, thậm chí nhét vào bao rồi mang đi chôn sống.
Cái Bang chân thật trong lịch sử chính là những tầng lớp ở đáy cùng của xã hội, vì sinh tồn mà kết thành tổ chức. Họ không có cơ hội hành hiệp trượng nghĩa, lại vì mưu sinh mà phải làm ra một số thủ đoạn, âu cũng là do số phận, giang hồ đưa đẩy mà thành.
Theo Soha

Theo nhiều giai thoại, người thực sự là “đệ nhất mỹ nhân” lại là một cô gái có tên Tiết Linh Vân.

Tiết Linh Vân sinh ra tại Thường Sơn (nay thuộc Chiết Giang – Trung Quốc). Cha bà là Tiết Nghiệp, mẹ mang họ Trần, người thôn Đinh Trường. Ngay từ nhỏ, tuy sống trong cảnh túng thiếu, bần hàn, nàng Tiết Linh Vân đã có được vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn nức tiếng gần xa, khiến tất cả các nam tử trong vùng đều đem lòng ái mộ.
Mô tả ảnh.
Vẻ đẹp yêu kiều của mỹ nhân Tiết Linh Vân được mô tả qua tranh vẽ
Năm Hàm Hi, Ngụy Văn đế Tào Phi tuyển phi tần nhập cung, nàng Tiết Linh Vân được vời vào cung. Khi từ biệt cha mẹ lên đường, nước mắt của nàng rơi đầy chậu ngọc, sau hóa thành màu đỏ như máu, người đời sau cho rằng điển cố “hồng lệ”, “huyết lệ” trong văn thơ Trung Hoa cổ ra đời từ đây.
Để đón người đẹp vào cung, Tào Phi đã cất công chuẩn bị mười chiếc xe chạm khắc đá quý, trong xe chất đầy đá quý. Bò kéo  cũng là hàng cống phẩm, cổ đeo lục lạc, thanh âm vang khắp cả núi rừng. Ven đường, nơi đoàn xe đi qua đốt đá diệp hương quý hiếm, loại đá như đám mây này khi đốt tỏa ra mùi thơm dễ chịu, có thể phòng trừ được nhiều loại bệnh dịch.
Mô tả ảnh.
Vẻ đẹp của nàng khiến Ngụy Văn đế say mê
Ở trong cung, hoàng đế còn cho xây đài cao hơn ba mươi trượng, xếp hàng dài dưới đài để cắm nến. Cảnh tượng vô cùng huy hoàng tráng lệ, nhìn từ xa giống như tinh tú trên bầu trời rơi xuống mặt đất. Khi Tiết Linh Vân còn cách kinh thành mười dặm, Văn đế Tào Phi đã đích thân xa giá tới nơi đón mỹ nhân. Gặp được Tiết Linh Vân, Văn đế Tào Phi không khỏi cám thán: “Triệu vi hành vân, mộ vi hành vũ, nay phi vân phi mưa, phi triêu phi mộ” (ý nói cảnh tượng lúc Linh Vân xuất hiện vô cùng huyền ảo, không mây không mưa, không phải sáng, cũng chẳng phải tối).
Liền sau đó, đặt tên cho nàng là Dạ Lai (đêm đến). Cái tên này sau được gọi cho loại hoa thiên lý có mùi hương thơm phảng phất ban đêm. Linh Vân nhanh chóng trở thành sủng phi của Tào Phi, được ông ta yêu chiều hết mực.
Mô tả ảnh.
Nàng Tiết Linh Vân được xưng tụng là "Trâm thần" bên cạnh Tào Phi Văn đế
Tương truyền, nàng Tiết Linh Vân có biệt tài khâu vá, nàng có thể may y phục vào ban đêm, không cần đốt đèn mà vẫn chẳng lệch một đường kim mũi chỉ. Hoàng đế vì sủng ái nên cũng chỉ mặc những y phục do tự tay nàng làm ra. Cũng từ đó, Tiết Linh Vân được mệnh danh là “Trâm thần” của Văn đế.
Sau khi Tào Phi đổ bệnh qua đời, nàng Tiết Linh Vân cũng từ đó bặt vô âm tín, người đời sau nhắc đến nàng với hình ảnh của một vị thần tiên có vẻ đẹp thoát tục và thiện lương. Nàng được nhắc đến trong một số bộ dã sử cổ của Trung Quốc như “Thập di ký”, “Thái bình nghiễm ký”, “Diễm dị biên”…
Theo Phunutoday

Cuộc nổi dậy ở Lương Sơn Bạc do Tống Giang lãnh đạo chỉ là một trong hơn hai trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra trong suốt triều Tống. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về quy mô cuộc khởi nghĩa này.

Lương Sơn Bạc nằm ở phía Nam huyện Thọ Trương, Vận Châu, tỉnh Sơn Đông. Trước vốn là một hồ nhỏ, sau do sông Hoàng Hà nhiều lần bị vỡ đê khiến nơi này trở thành một biển hồ rộng đến mấy trăm dặm.
Sào huyệt của nhiều cuộc nổi dậy
Lương Sơn Bạc có đường thủy tiện lợi, cá tôm vô số, lau lách um tùm, bên trong lại có nhiều “ốc đảo” nên trở thành nơi cư ngụ lý tưởng của dân đánh cá, cắt cỏ và cả tội phạm, trộm cướp.
Cạnh hồ lại có núi Lương Sơn, tuy ngọn chủ phong chỉ cao 197 m nhưng hình thế hiểm trở. Vì có thế địa lợi “khả thủ khả công” nên đây là căn cứ địa của nhiều cuộc nổi dậy phản kháng triều Tống cả trước và sau khởi nghĩa của Tống Giang.
“Tống sử - Bồ Tông Mạnh truyện” chép rằng “Vận Châu có Lương Sơn Bạc, trộm cướp nhiều”. Bồ Tông Mạnh trấn áp tàn khốc những cuộc nổi dậy nơi đây, giết rất nhiều người.
Về sau này khi Tống Giang quy hàng triều đình, Lương Sơn Bạc vẫn là nơi nông dân tụ nghĩa.
 Hảo hán Lương Sơn Bạc qua tranh vẽ truyền thần
Hảo hán Lương Sơn Bạc qua tranh vẽ truyền thần
Sử chép, năm 1124, Sái Cư Hậu làm tri châu Vận Châu đã dụ giết hơn 500 quân khởi nghĩa. Lại có ngư dân Trương Vinh nổi dậy, lập đạo thủy quân mấy trăm chiến thuyền.
Đến khi quân Kim lật đổ nhà Tống thì Lương Sơn Bạc cũng là cứ điểm phản kích.
Vì thế, nói “anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc” không chỉ gói gọn trong nhóm Tống Giang hoặc giả nói “108 anh hùng ” mà bao quát cả những người từng nổi dậy ở Lương Sơn.
“Dây dẫn hỏa” của cuộc nổi dậy do Tống Giang lãnh đạo bắt nguồn từ chính sách “quát công điền” để tăng ngân khố thời Tống Huy Tông.
Theo đó, Lương Sơn Bạc thuộc sở hữu của triều đình, tất cả dân chúng sinh sống nơi đây phải đóng thuế rất nặng, họ không thể sống nổi nên tụ chúng phản kháng.
Trong chính sử triều Tống chỉ chép rải rác về cuộc khởi nghĩa này và gọi là “nhóm 36 người của bọn Tống Giang”, ngoài ra không có chi tiết cụ thể về diễn biến khởi nghĩa.
Ngoài cái tên “Tống Giang” ra, không có chép tên tuổi hay nhân thân của “36 thiên cương, 72 địa sát” nào cả.
Sau đến đời Nam Tống mới có sách “Tuyên Hòa di sự” kể ra tên tuổi của 36 người cùng những chuyện về Tống Giang, Tiều Cái, Võ Tòng… theo lối truyền kỳ, làm nền tảng cho Thi Nại Am sau này viết “Thủy Hử truyện”.
Quân lực hùng mạnh
Theo chính sử, “Hoàng Tống thập triều cương yếu” chép: Vào tháng 12 năm Tuyên Hòa nguyên niên (1119), Tống Huy Tông hạ chiếu cho quan
Đề điểm ở hai lộ Kinh Đông, Kinh Tây đem quân đi bắt “Kinh Đông tặc” Tống Giang, không lâu sau lại ra lệnh “chiêu dụ”. Điều này cho thấy quân khởi nghĩa của Tống Giang đã làm kinh động triều đình.
Đến năm sau, tri châu Hào Châu là Hầu Mông dâng thư nói “36 người của bọn Tống Giang hoành hành vùng Tề, Ngụy, quan quân mấy vạn không dám nghinh chiến.
Chi bằng xá cho Giang, khiến hắn đi thảo phạt Phương Lạp để chuộc tội hoặc là đi bình loạn phía Đông Nam”.
Vua đồng ý, cho Hầu Mông làm tri phủ Đông Bình để chiêu hàng Tống Giang nhưng Hầu Mông chưa đi thì bệnh chết. Quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công các châu Đan, Bộc, Tề, Thanh.
Tháng 12, triều đình sai tri châu Thanh Châu là Tăng Hiếu Uẩn kéo quân trấn áp nhưng quân khởi nghĩa tiếp tục đánh xuống phía Nam đến Cân Châu, kịch chiến với quân Tống do Tưởng Viên thống lĩnh.
Đầu năm 1121, quân Tống Giang từ Kinh Đông vượt biển, tấn công Thuật Dương, chiến đấu với quân Tống của Vương Sư Tâm. Sử gọi quân Tống Giang lúc này là “giặc cướp Hoài Nam”.
Đến tháng 2, quân khởi nghĩa tấn công Hoài Dương, tiến về vùng Hải Châu, Sở Châu. Đến lúc này quân Tống Giang đã “chuyển đánh cướp cả 10 quận, quan quân không dám ngăn đường tiến, lên tiếng rằng sẽ đến Hải Châu”.
“Tống sử - Trương Thúc Dạ truyện” có chép đến 7 đoạn về danh tướng này, trong đó đoạn thứ 4 viết về việc đánh bại quân Tống Giang như thế nào.
Theo đó, khi Trương Thúc Dạ nhậm mệnh đến Hải Châu thì quân Tống Giang đang chuẩn bị công thành.
Tống Giang quyết định đánh thành theo hướng trên biển nên cho quân chiếm lấy hơn 10 chiếc thuyền lớn để chở quân lương.
Nhưng kế của Tống Giang đã bị gián điệp của Thúc Dạ dò biết. Thúc Dạ lập tức chiêu mộ hơn 1.000 quân cảm tử mai phục ở gần thành, sau đó cho quân tiểu tốt đi thuyền nhỏ đến khiêu chiến còn tinh binh thì bố trí trận địa ven bờ biển.
Khi hai bên giao chiến, phục binh của Trương Thúc Dạ lao ra dùng hỏa công đốt thuyền quân Tống Giang. Hai bên giao chiến kịch liệt, cuối cùng đội thuyền của Tống Giang bị đốt cháy hết.
Đường lui cũng đã tuyệt, phó tướng bị bắt, quân lính tan vỡ nên chấp nhận chịu hàng.
Chiêu an hay bị giết?
Hầu hết các sử tịch triều Tống như “Hoàng Tống thập triều cương yếu”, “Tục Tư trị thong giám trường thiên”, “Tam triều bắc minh hội biên”… đều chép việc Tống Giang chấp nhận chiêu an, sau đó đem quân đi trấn áp khởi nghĩa của Phương Lạp.
Nhưng tại vùng Hải Châu, nơi Tống Giang bại trận, người dân vẫn lưu truyền việc Tống Giang và các nghĩa sĩ đều bị Trương Thúc Dạ giết chết, chôn dưới núi Bạch Hổ.
Núi này hiện ở phía Tây Nam cổ thành Hải Châu, cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô.
Núi chỉ cao 62,8 m, được người dân gọi là “Hảo hán doanh” (mộ hảo hán) và lưu truyền bài thơ: “Bạch bích Hổ sơn âm, Phần điệp thảo mộc thanh. Vấn thị thùy gia mộ, Lương Sơn hảo hán doanh”.
(Núi Bạch Hổ vách trắng âm u; mộ phần chồng lên nhau, cây cỏ xanh tốt. Hỏi rằng đó là phần mộ của ai? Rằng là mồ chung của hảo hán Lương Sơn).
Năm 1939 khai quật được tấm mộ chí minh của Võ Công đại phu Chiết Khả Tồn thì lại chép rằng Khả Tồn chiến thắng Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một võ công lừng lẫy của mình.
Vì thế, một số ý kiến cho rằng Tống Giang chấp nhận quy hàng nhưng sau đó lại dấy binh phản Tống một lần nữa. Đến năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122) thì bị Chiết Khả Tồn trấn áp và giết chết.
Theo Người Lao Động

Trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, không ít hảo hán tôn thờ chủ nghĩa độc thân, điển hình là Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ, Tiều Cái, Công Tôn Thắng, Ngô Dụng…


Họ không màng sắc dục, dồn hết tinh lực để luyện võ, tỉ thí với đời.
Đới Tung từng tán dương Lý Quỳ “Tịnh vô dâm dục tà tâm” (ý nói Lý Quỳ không có tà tâm dâm dục). Lý Quỳ là vị hảo hán có tư tưởng bài xích phụ nữ kịch liệt.
Trông thấy Tống Giang ngồi uống rượu với Lý Sư Sư, Lý Quỳ tức giận, trừng mắt đứng nhìn.
Không chỉ trên Lương Sơn mà nhiều nhân vật hảo hán khác trong truyện cũng coi nhẹ nữ sắc.
Ví như Bát thập vạn cấm quân Giáo đầu Vương Tiến – nhân vật xuất hiện trong phần đầu “Thủy Hử” - chỉ sống với mẹ già đã ngoại lục tuần, không vợ không con.
Theo mô tả trong truyện, Vương Tiến chẳng còn ít tuổi, lại giữ chức Giáo đầu cấm quân, tướng mạo đường hoàng, hành sự cẩn trọng hữu lễ, vì vậy, không thể có chuyện hẩm hiu đường tình.
Lại nói Tiều Cái, tuổi đã 36 - 37, là trưởng thôn Đông Khê, tới Tống Giang cũng phải gọi bằng anh, gia cảnh giàu có, nhưng không màng tới chuyện lập thê lập thất.
Tới cuối đời, vị hảo hán này chỉ chăm chăm “đả ngao cân cốt” (ý chỉ luyện tập võ nghệ để cường tráng gân cốt).
Thời xưa, người Trung Quốc thường kết hôn sớm, nam nữ tới tuổi 15 – 16 đã đủ chín để yên bề gia thất rồi sinh con đẻ cái.
Nhưng trong “Thủy hử”, nhiều nhân vật lại đi ngược với lề lối bấy giờ. Lâm Xung tới 32 tuổi mới chịu kết tóc xe duyên cùng Lâm nương tử.
Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa được liệt vào hàng tam kiệt Hà Bắc, khí vũ hiên ngang, nhưng tới 27 tuổi mới lập chính thất, dù sớm hơn Lâm Xung, nhưng cũng liệt vào hàng muộn màng thời ấy.
Đó là biểu hiện rõ rệt của tư tưởng cấm dục thời xưa. Tam giáo: Nho, Đạo, Thích ảnh hưởng sâu sắc nhất tới xã hội Trung Quốc cổ đại.
Các giáo này đều đề cao tư tưởng “cấm dục”, trong đó, “dâm dục” được liệt ra hàng đầu. Người xưa, đặc biệt là những ai ham mê võ nghệ, thường sùng bái tới mức mê tín mẫu hình “đồng tử chi thân”, suốt đời không lập thê thiếp.
Trong “Thủy Hử”, Thi Nại Am thường dùng câu: “Tướng mạo đường đường cường tráng sĩ, vị xâm nữ sắc thiếu niên lãng” (ý chỉ người tráng sĩ có tướng mạo đường hoàng oai vệ, thiếu niên trẻ tuổi chưa vướng nữ sắc) để mô tả về những đấng nam nhi hãy còn tân.
Ý niệm “Vạn ác dâm vi thủ” (đại ý: trong một vạn điều ác thì dâm dục là đứng đầu) không chỉ tồn tại trong suy nghĩ của kẻ giang hồ, ngay cả Phật môn cũng ủng hộ.
Lỗ Trí Thâm là người xuất gia, môn đệ của trưởng lão Trí Chân.
Khi đã xuống tóc đi tu trên Ngũ Đài Sơn, ông ta vẫn thỏa thuê rượu thịt, đại náo Phật đường, đánh đổ hai tượng tả hữu môn thần, về sau giết người phóng hỏa, nhưng vẫn được Trí Chân trưởng lão ca tụng là có phật tính, tiền đồ phơi phới hơn cả đám chúng tăng không màng rượu thịt, có thể tu thành chính quả.
Ấy là vì Trí Chân trưởng lão nhìn thấu đồ đệ mình không mang tà tâm dâm dục.
Không chỉ các vị hảo hán Lương Sơn, thời xưa, nhiều bậc “cao nhân” cũng sống theo chủ nghĩa độc thân.
Ngay cả phương Tây cũng nhiều nhà khoa học lỗi lạc ở vậy suốt đời, như: Newton, Kant, Cavendish, Nobel…Phải chăng, họ đều tôn thờ quan điểm: “Người đàn ông nếu muốn không tầm thường thì đừng lấy vợ” (danh ngôn của Kant).
Theo Báo Đất Việt


1. Duyệt Lai khách sạn là hệ thống khách sạn lớn nhất thời cổ đại.
2. Siêu cấp độc dược, giải dược, ám khí luôn có xuất xứ từ Tây Vực, hay tệ nhất cũng phài là Đường Môn.
3. Người nào thường ngày ở chung, chỉ cần mặc vào y phục dạ hành, trang bị thêm khăn che mặt, đối phương chắc chắn không nhận ra.
4. Nhân vật không quan trọng, nhân vật phụ chắc chắn sẽ dùng võ công có tính nghệ thuật rất mạnh, có tên đậm chất văn học hoặc liên quan đến động vật, nhưng hiệu quả lại rất kém.
5. Có tóc trắng + râu dài (nếu râu trắng luôn thì càng tốt) tuyệt đối là khoáng thế cao nhân, nhất định phải lôi kéo tốt quan hệ.
6. Anh hùng luôn có một thanh vũ khí tốt. Tốt đến mức không cần bảo dưỡng sửa chữa.
7. Ở loạn tiễn, anh hùng nếu không muốn chết, chắc chắn không chết. Xui xẻo trúng tên rồi, đó cũng là do có nhân vật ác bắt giữ thân nhân làm anh hùng phân tâm.
8. Nhất định phải đánh mấy đòn xoàng xoàng mang tính tượng trưng, sau đó mới ra tuyệt chiêu, đồng thời kèm theo nước miếng tung tóe kêu to: Đi tìm chết đi !!!!
9. Đánh ra skill cuối phải làm 1 loạt động tác, delay cực lâu ít nhất cũng 1 đến 2 phút. Nhưng địch nhân tuyệt không bao giờ đánh lén, mặc dù đây là cơ hội tốt.
10. Cao thủ xem định luật vạn vật hấp dẫn của Newton là mây bay, khắp nơi bay loạn xà ngầu, tốc độ nhanh hơn chim. Bất quá nếu đi đường xa … lại cưỡi ngựa.
11. Khẩu phần thức ăn đúng chuẩn của đại hiệp: 2 cân thịt bò + thượng đẳng Nữ Nhi Hồng (Duyệt Lai khách sạn cung ứng lâu dài).
12. Người tốt không bao giờ hạ độc, người xấu không bao giờ không hạ độc. Nhưng người tốt luôn bị vu oan hạ độc, người xấu chẳng bao giờ có người hoài nghi.
13. Đại hiệp muốn thể hiện level của mình, thường thường sẽ nhặt cành cây đánh tiểu nhân vật không biết trời cao đất dày, sau đó … Duyệt Lai khách sạn bắt đầu cung ứng nhánh cây.
14. Ở một đường phố thằng tắp bị người đuổi giết. Mặc dù rất gấp gáp, nhưng luôn lấy việc lật ngã bãi hàng hai bên đường làm việc trọng yếu nhất.
15. Người tốt dùng ám khí là hình thức bắt buộc, đa tài đa nghệ, một kích tất trúng. Người xấu dùng ám khí là hèn hạ vô sỉ, bàng môn tả đạo, ném đến chết cũng không trúng.
16. Người xấu ngàn tâm vạn khổ ném trúng rồi, sẽ vẫn bị người tốt chịu đựng đau đớn đánh ngã, bonus thêm phun nước miếng chửi thẳng mặt: hèn hạ!
17. Sau đó sẽ có tuyệt thế giai nhân, hot girl chạy tới cứu anh hùng bị trúng ám khí, không lâu sẽ sinh tình…
18. Thời đó xã hội trị an không tốt, người người mang khí giới nguy hiểm.
19. Chủ tiệm giết heo, chắc chắn là một gã mập map.
20. Tuyệt thế thần binh luôn bị mấy tấm vải rách tầng tầng che kín. Tuyệt thế thần nhân cũng bị mấy tấm vãi rách tầng tầng che kín (đôi khi bị lầm tưởng thành ăn mày).
21. Nhân vật chính chỉ có 1 bộ quần áo. Nếu muốn đổi chỉ khi nào võ công tăng tiến hoặc qua mấy chục năm mới đổi 1 bộ.
22. Tất cả mọi người rất có tiền. Một tờ lại một tờ ngân phiếu văng ra so giấy nháp còn tiện nghi.
23. Tiểu nhị của Duyệt Lai khách sạn có trang bị Google Search trên người kiến thức uyên bác vô cùng. Có hỏi (+ tiền) tất đáp.
24. Người có tiền họ Kim, người nào không tiền tên Nhị Cẩu.
25. Thiếu lâm tự luôn có 1 phương trượng ( lão hòa thường 8x tuổi trờ lên) cùng 1 đồ đệ lợi hại. Còn lại đều gà bắp.
26. Bí tịch võ công phân biệt tuổi tác 16+, 18+, 20+, 40+ v.v… phân biệt giới tính: nam, nữ, nam nữ cùng luyện, không nam không nữ. Không đọc “Lời nói đầu” của bí tịch rất nguy hiểm.
27. Mọi người ai cũng rất thích ở Duyệt Lai khách sạn gây chuyện. Trước hất cái bàn, sau đập cái ghế. Cuối cùng mới đánh nhau.
28. Có lúc 1 kiếm chém rơi đá cứng. Có lúc 1 cái bàn gỗ cũng chém không vỡ.
29. Anh hùng rất tuấn tú, đại nhân vật phản diện cũng rất tuấn tú. Nhân vật phụ trợ nhan sắc ngang nhau.
30. Kinh điển đối thoại:
A: Tại hạ XXX, người giang hồ xưng XXX.
B: Nguyên lai là XXX, ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
A: Không dám nhận, không dám nhận.
31. Một mình đấu, bên chính nghĩa không chịu nổi, sẽ kêu người giúp một tay: "Đối phó loại ma đầu này, không cần cùng hắn nói cái gì giang hồ đạo nghĩa, mọi người cùng lên đi!!!"
32. Đánh lôi đài, nhất định phải lộn đầu bay lên sau đó dùng điều thứ 30 kinh điển đối thoại.
33. Đường Lang quyền trải qua thời gian không bao giờ suy thoái. Thái cực quyền chỉ có vài người biết…
34. Thư viện của Thiếu lâm tự thường mất sách.
35. Mặc dù cao thủ có thể dùng lỗ mũi nghe được địch nhân hơi thở, nhưng bị nghe lén chỉ có đối phương đụng lật thứ gì mới phát hiện.
36. Người nghe lén bị phát giác thường trong lúc bị đuổi quay người lại ném ám khi, đạn khói v.v… Cũng ở lúc này trốn nhanh so với bình thường gấp 10 lần.
37. Ngoài ra người nghe lén cũng thường thích giả chết.
38. Một người uống rượu buồn, thất tình, bi thương, nhất định trời sẽ mưa.
39. Mưa chưa đủ, còn có thêm lôi quang sấm sét ầm ầm.
40. Party tổ hợp luôn là: Tứ đại XX, Tứ đại ***, Tứ đại %%%, Tứ đại !@#, Tứ đại bla…bla…
41. Khi rút kiếm, có lúc sẽ có kiếm khí, có lúc sẽ chẳng rút ra được.
42. Triều đình đại tướng quân võ công vô cùng gà bắp. Công Công mới lợi hại.
43. Luôn có 1 quyền sách, kiếm, ngọc, bản đồ kho báu… để cả đám nhào vào cướp.
44. Có một phương pháp truyền bá tin tức so với internet còn nhanh hơn: Truyền miệng.
45. Không bao giờ có người chủ động đi nhà cầu. Nếu có, đó là vì bị cho uống thuốc xổ.
46. Kỹ viện đều là Di Hồng viện (hoài nghi là chi nhánh của Duyệt Lai tập đoàn)
47. Tóc tạo hình rất tốt, vung cỡ nào cũng hồi phục lại hình dáng ban đầu (Dùng keo dán sắt chăng?)
48. Hoặc là từ nhỏ tập võ, hoặc không bao giờ tập võ, nếu không sẽ chẳng thành tài.
49. Đại hiệp thắng lợi có 2 phương thức: Hoặc 1 chiêu giải quyết hoặc 100, 200, 300 chiêu giải quyết (không có số lẻ)
50. Điều buồn bực nhất chính là: Hot girl đi đâu cũng thấy.
51. Người xấu tỉnh ngộ xong, nhất định sẽ chết!
52. Nữ nhân vật xấu bị vạch trần sẽ lui về sau 1 bước, đứng không vững.
53. Người bị bệnh nặng hoặc bị trọng thương, tỉnh lại, câu nói đầu tiên chắc chắn là: Nước! Cho ta nước!
54. Đột nhiên đẩy cửa vào, không phải đang tự sát thì là đang tắm.
55. Vĩnh viễn luôn chờ đúng ngày kết hôn để cướp hôn, đào hôn! Làm trước một ngày cũng đâu chết ai? Chẳng lẽ phải mặc đồ cưới mới có động lực bỏ chạy theo trai (hoặc gái).
56. "Đừng giết ta, đừng giết ta!" - Nhất định sẽ chết.
"Ngươi giết ta đi!" - Sau đó cỡ nào cũng không chết.
57. Đụng vào đầu có thể mất trí nhớ, đụng thêm cái nữa hồi phục.
58. Trò chơi thường gặp trong hoàng cung: Bịt mắt bắt dê. "Hoàng thượng mau tới bắt ta nha, hoàng thượng".
59. Nam nữ nhân vật chính cùng nhau đi đường tất trẹo chân, trẹo chân tất trời mưa, trời mưa tất vào sơn động, vào sơn động tất trời tối, trời tối tất đốt củi.
60. Lúc nhân vật nam sa đọa, nhân vật nữ chỉ cần tát một cái, liền tỉnh ngộ.
Vê ka lờ! Cô ta dùng Như Lai thần chưởng à? Thần kỳ như vậy!
61. Nhân vật chính đang gặp nguy hiểm, sau đó sẽ có một huynh đệ vô cùng nghĩa khí hi sinh mình kéo lại kẻ địch, để cho hắn mau chạy đi. Kết quả hắn phán một câu: "Muốn chết thì mọi người cùng chết ..."
62. Nam chính thề nếu làm việc có lỗi với nữ chính thì sẽ ... Chưa kịp nói đã bị nữ chính bưng miệng.
63. Nữ giả nam trang chỉ có 2 cách để phát hiện:
- Cách khó: mũ bị rớt.
- Cách dễ: Thấy cô ta đang tắm.
64. Khi có người chết, hung thủ đã bỏ đi và để lại hung khí. Vai chính sẽ xuất hiện ở hiện trường, vừa thấy nạn nhân sẽ sửng sốt ... Sau đó, hãy chú ý, một động tác khó hiểu sẽ xuất hiện. Bất kể vai chính bình thường thông minh cỡ nào nhất định sẽ cầm hung khí lên chơi??? Thậm chí nếu hung khí trên người nạn nhân còn có thể rút ra xem.
Đúng lúc này, vai quần chúng sẽ xuất hiện và kêu lên:
- Ngươi đã giết XXX.
65. Một nữ nhân vật bưng đồ sứ, núp ở phía sau cửa hoặc rèm sau khi nghe được một tin vô cùng đáng sợ hoặc bí mật, nhất định kinh ngạc đến mức làm rơi món đồ sứ trong tay. Do đó khiến cho 2 kẻ đang bàn luận chuyện này chú ý tới.
66. Mỗi thanh lâu đều có 1 nữ nhân thần bí, duy trì thanh cao không cùng thế tục hợp ô, cầm kỳ thư họa dạng dạng tinh thông. Đông đảo nam tử đều muốn đến chịch gặp mặt một lần. Quá đáng nhất là, còn không chịu tiếp khách.
67. Từ xưa nhân vật ác đa số chết bởi nói nhiều! Mỗi lần nhân vật chính bị đẩy vào tuyệt cảnh luôn có người lao ra cứu vớt. Mỗi lần kẻ xấu dùng kiếm chỉ vào đầu nhân vật chính, rõ ràng có thể kết thúc sớm bộ phim. Lại cứ khoái tán dóc với nhân vật chính đợi đến cứu binh xuất hiện và chính mình bị người ta giết ngược lại mới thỏa mãn.
68. Chỉ cầm cầm khăn tay che miệng ho khan. Nhất định ho ra máu.
69. Vô luận cỡ nào náo nhiêt, có bao nhiêu người vây xem, nhân vật chính vẫn có thể chen lên hàng trước.
70. "Chuyện không phải như ngươi nghĩ!". Nhưng cỡ nào cũng không chịu giải thích.
71. Lúc nghe tin xấu, tay luôn có đồ, sau đó tay run lên liền đánh rớt xuống dưới đất.
72. Võ lâm cao thủ bị người quay quanh, nhất định từng thằng lên đánh. Tại sao một đám người không nhảy lên đánh hội đồng hắn a.
73. Nhân vật chính trốn ở phía sau một cây đại thụ, là có thể tránh thoát mấy chục ánh mắt kẻ truy đuổi.
74. Nữ nhân vật chính bị người nhà đánh bạt tai, lúc nào cũng đều kinh ngạc, che mặt ngẩng đầu nói "Ngươi đánh ta? từ nhỏ đến lớn ngươi cũng chưa từng đánh ta". Sau đó bụm mặt chạy ra ngoài. Còn dư lại người đánh bạt tai chằm chằm nhìn vào tay của mình.
75. Nam nữ nhân vật chính hễ té lộn mèo một cái, kết quả sẽ hôn nhau.
76. Đối thoại kinh điển:
- Hung thủ là người nào?
- Kẻ…giết…ta…là… (chết)
77. Hung thủ giết xong người rồi bỏ đi. Nạn nhân vẫn chưa chết hẳn, lấy máu viết “Hung thủ là…”, chưa viết xong thì chết.
78. Nam chính: - Ngươi nghe ta giải thích!
Nữ chính: - Ta không nghe! Ta không nghe!
79. Quay cận cảnh đoạn may quần áo, nhất định nhân vật sẽ bị kim đâm chảy máu.
80. Vô luận ngươi cường tráng mạnh mẽ cỡ nào, đánh ngay cổ sẽ xỉu.
81. - Ngươi đi mau, bọn họ lập tức sẽ đuổi đến.
- Không! Ta không thể bỏ lại một mình ngươi.
82. Động phòng, hôn một cái, dần dần nằm xuống ... hết.
83. - Có câu không biết có nên nói hay không?
Cuối cùng tất nhiên sẽ nói hết.
84. Mỗi lần chạy trốn cũng sẽ không cẩn thận trật chân té, phát ra âm thanh.
85. Đao phủ luôn có thể đợi đến "Hạ đao lưu nhân" một khắc chớp nhoáng. Khả năng khống chế lực thật siêu phàm.
86. Lời thoại kinh điển trước khi chết: “18 năm sau lại làm một hảo hán!”
87. Lời thoại kinh điển khi nhận mặt kẻ gian: “Ngươi có biến thành tro ta cũng nhận ra!”
88. Lời thoại kinh điển trước khi bỏ chạy: “36 kế, tẩu vi thượng sách!”
89. Một tên học trò ham chơi lười học, mỗi khi thấy thầy giáo hoặc phụ huynh sắp đi đến cửa sẽ lấy sách ra giả vờ ngâm nga: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu!”
90. Công tử, thiếu gia thấy gái đẹp sắp tới gần cũng ngâm nga đúng một câu: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu!”
91. Lời thoại kinh điển khi muốn giết một ai đó: “Ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của ngươi!”
92. Hòa thượng mỗi khi muốn can ngăn hai người đánh nhau thế nào cũng nói một câu: “Oan oan tương báo bao giờ mới dứt!”
93. Đạo sĩ mỗi khi tỏ vẻ bi quan chắc chắn sẽ nói một câu: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng.”
94. Nghe trộm người khác nói chuyện, thế nào cũng lấy ngón tay chấm nước miếng rồi chọc thủng lỗ trên cửa sổ bằng giấy. Thật đúng là cái đồ phá hoại!
95. Rớt xuống vực luôn nhặt được bí kiếp võ công hoặc được cao nhân dưới vực chỉ dạy, truyền nội công.
96. Lời thoại kinh điển: “Quân tử trả thù, mười năm chưa muộn!”
97. Lúc kết nghĩa: “Tuy không sinh cùng ngày cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày!”
Lúc huynh đệ chết: “Ta sẽ trả thù cho ngươi!”
98. Lời thoại kinh điển: “Người trong giang hồ, thân bất do kỷ!”
99. Lời thoại kinh điển: “Vô độc bất trượng phu!”
100. Dược vật chữa thương quý hiếm nhất luôn là “nhân sâm ngàn năm” hoặc “linh chi ngàn năm”.

Theo Ohaytv

Gia Đình

[Gia-dinh][fbig1]

Sức khỏe

[Suc-khoe][fbig2]

Khoa học - Công nghệ

[Khoa-hoc][Cong-nghe][column1]

Làm đẹp

[Lam-dep][hot]

Thú vị

[Thu-vi][gallery2]

Động vật

[Dong-vat][column1]

Du lịch

[Du-lich][gallery3]

Author Name

{facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.