Khám phá về khả năng "Thần giao cách cảm" của con người
Thần giao cách cảm là khả năng tiềm ẩn của con người. Rất nhiều người có thể chia sẻ với nhau chỉ bằng ý nghĩ mà không cần thông qua cái gì khác.
Có rất nhiều câu chuyện ly kì về những người có khả năng cảm nhận được suy nghĩ của người khác. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, một số người có thể linh cảm được những mối nguy hiểm, sợ hãi hay vui mừng… xảy đến đối với người thân của họ (mà người ta hay gọi là giác quan thứ 6). Những cảm nhận này thường tập trung ở những người có mỗi quan hệ rất thân thiết, gần gũi như cha mẹ – con cái, anh chị – em, đặc biệt xảy ra nhiều đối với các cặp song sinh.
Có rất nhiều câu chuyện ly kì về những người có khả năng cảm nhận được suy nghĩ của người khác. |
Đó là những trường hợp xảy ra tự nhiên. Liệu con người ta có thể tạo ra khả năng này một cách chủ động (thông qua luyện tập) được không? Trong cuốn “Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng”, tác giả Alexande David Nill đã kể lại khá chi tiết những điều bà tận mắt chứng kiến về vấn đề này (đây là 1 học giả người Pháp rất nổi tiếng, bạn nào đã học tiếng Anh bằng cuốn “Cause and Effect” chắc hẳn đã biết về bà). Bà đã đi khắp Tây Tạng và tiếp xúc với rất nhiều vị Lạt ma có khả năng kì lạ. Một số Lạt ma có thể đọc được suy nghĩ của người khác một cách dễ dàng, thậm chí họ còn có thể liên lạc được với nhau qua những khoảng cách rất xa nhờ ý nghĩ!Điều kì lạ còn ở chỗ: suy nghĩ của con người có thể bị đọc bất chấp sự khác biệt về mặt ngôn ngữ (ban đầu Tác giả còn chưa biết tiếng Tạng, các Lạt ma thì hiển nhiên không biết tiếng Pháp! Vậy mà các Lạt ma dường như đọc được mọi suy nghĩ của bà).
Vậy phải giải thích vấn đề này như thế nào? Liệu suy nghĩ của con người có thể bức xạ ra ngoài không gian hay không, và con người có thể cảm nhận được bức xạ suy nghĩ của người khác hay không?
Những câu chuyện về thần giao cách cảm
Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ I và II, số binh lính chết trên chiến trận nhiều vô kể, đó cũng là lúc mà nhiều người cho rằng, hiện tượng thần giao cách cảm rộ lên. Một góa phụ kể lại: "Trong Chiến tranh Thế giới lần II, chồng tôi được gọi nhập ngũ và đưa ra nước ngoài vào tháng 12 năm 1941. Một đêm đang nằm trằn trọc, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa, rồi tiếng chìa khóa tra vào ổ cửa phòng. Thoáng sau, chồng tôi đứng cạnh giường, nhìn tôi, hôn má tôi, nắm tay tôi rồi biến mất. Mãi đến năm 1945, tôi mới nhận được giấy báo tử: chồng tôi chết tại trại tù binh chiến tranh ở Viễn Đông vào tháng 4 năm 1942. Đó cũng chính là thời điểm tôi mơ thấy giấc mơ kỳ lạ ấy."
Vào năm 2009, cặp song sinh Leanne và Gemma đã làm mọi người kinh ngạc khi chỉ ra rất nhiều kết nối tâm trí mà họ chia sẻ với nhau chỉ bằng ý nghĩ mà không hề thông qua bất kỳ giác quan nào trên cơ thể. Như mọi ngày, Gemma làm những công việc của mình tại Anh, đột nhiên cô có cảm giác nguy hiểm đang đến gần và người em song sinh của mình đang gặp rắc rối. Lúc đó em gái của cô đang tắm, Gemma cảm nhận sự nguy hiểm mỗi lúc một nhiều hơn. Cô chạy vào phòng tắm, thấy em mình đang nằm bất tỉnh, chìm xuống bồn tắm đầy nước. Ngay lập tức Gemma kéo Leanne ra khỏi bồn tắm và thực hiện các phương pháp sơ cứu tạm thời, Leanne được cứu sống.
Câu chuyện ngay sau đó được lan rộng khắp châu Âu, người ta tin rằng, Leanne đã truyền ý nghĩ cầu cứu tới chị của mình.
Trong khi con người có khả năng kết nối tâm linh với nhau thì rất nhiều người nói rằng, họ có khả năng nói chuyện với vật nuôi của mình.
Mới đây của cô Lauren Bobe (Canada) - một huấn luyện viên cưỡi ngựa, cô chia sẻ rằng mình có thể nói chuyện “thì thầm” với con ngựa của mình. Con ngựa nói với cô, nó rất buồn bã về việc sắp phải chuyển đến một trang trại khác và lo lắng không biết có thích hợp với nơi mới hay không. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định được điều này.
Trường hợp khác nữa là con người có khả năng kết nối với cây cối. Nhiều trường hợp, nếu chủ nhân qua đời hoặc đi vắng thì cái cây mà họ yêu quý cũng héo úa và chết dần.
Lý giải hiện tượng
Thần giao cách cảm (telepathy) xuất phát từ tiếng Hy Lạp, “Tele” có nghĩa là “xa” và “pathos” có nghĩa là “cảm giác”, chỉ khả năng cảm nhận mọi thứ đang/sắp xảy đến từ xa. Ý nghĩa của thần giao cách cảm là một người có khả năng truyền suy nghĩ, cảm xúc của họ vào tâm trí của người khác, bằngcách sử dụng tâm trí của mình. Dù là cố ý hay không, chúng ta thường xuyên gặp các triệu chứng thần giao cách cảm. Khả năng này chuyên cảm biến và truyền tải cảm xúc qua một khoảng cách mà không cần sự tham gia của 1 trong 5 giác quan của con người.
Nhiều nhà khoa học phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng đặc biệt này của con người từ những năm 1882. Công trình nghiên cứu “truyền ý nghĩ” sơ khai và nổi tiếng nhất là thí nghiệm của tiến sĩ Henry Sidgwick cùng vợ (bà Eleanor Sidgwick) tiến hành tại Brighton vào những năm 1889 - 1891. Trong thí nghiệm này, những người cảm thụ bị thôi miên. Người ta yêu cầu họ tưởng tượng trên các thẻ trống một hình ảnh hoặc tranh vẽ được chọn bởi người “phát ra ý nghĩ” và đang cố gắng truyền thông điệp tới họ. Người phát ra ý nghĩ chọn một trong các tấm thẻ đánh số từ 10 đến 90 và người cảm thụ sẽ đọc to những số mà người kia chọn. Họ đã đưa ra kết quả đúng một cách kinh ngạc.
Cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em là những người có mối liên hệ mật thiết trong việc truyền ý nghĩ. Các bà mẹ thường có trực giác khi con mình đang gặp nguy hiểm, vợ chồng thường rất hiểu ý nhau, nhạy cảm với suy nghĩ của nhau nếu họ có cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Anh, chị, em cũng có khả năng thần giao cách cảm với nhau đặc biệt là các cặp song sinh thường cảm nhận rõ rệt trạng thái của người song sinh với mình dù đang ở rất xa nhau.
Lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng, thời điểm con người thể hiện khả năng thần giao cách cảm tốt nhất là khi cơ thể ở trạng thái căng cứng, tâm lý căng thẳng. Các hormone adrenaline và noradrenalline (làm tăng nhịp tim và lượng đường huyết) tiết ra một lượng lớn vào những lúc xúc cảm đạt cao độ. Một lý giải khác nữa là ở lý thuyết “Làn sóng vô tuyến điện”. Theo lý thuyết này, thần giao cách cảm hoạt động như làn sóng radio, "bộ não sóng" sẽ di chuyển những "rung cảm", truyền từ người này sang người khác.
Nhiều người tin rằng, khả năng thần giao cách cảm thuộc về lĩnh vực tâm linh và không nhà khoa học nào có thể lý giải cặn kẽ được điều này. Ngày nay, hầu hết các quốc gia Âu Mỹ và ngay cả Việt Nam chúng ta đều công nhận khả năng ngoại cảm nói chung và thần giao cách cảm nói riêng, qua nhiều chứng cứ thuần khoa học. Mỹ, Anh, Nga là những nước đi tiên phong trong việc tiến hành những thí nghiệm khoa học để minh chứng cho khả năng kỳ diệu này của con người.
Nghiên cứu mới: Khám phá khả năng thần giao cách cảm qua các cuộc điện thoại
Trong một nghiên cứu mới đây, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đoán xem ai là người đang gọi cho họ khi chiếc điện thoại đổ chuông.Kết quả thu được cho thấy mức tỉ lệ thành công nhìn chung vượt quá xác suất ngẫu nhiên…
Nghiên cứu này có tên là: “Các thí nghiệm tự động kiểm nghiệm khả năng thần giao cách cảm qua điện thoại di động (Automated Tests for Telephone Telepathy Using Mobile Phones)”, và đã được đăng tải trên ấn bản tháng 7, tháng 8 của tạp chí Khám phá (Explore Journal). Tiến sĩ Rupert Sheldrake, người từng bảo vệ luận án tiến sĩ ngành sinh hóa tại Đại học Cambridge và nghiên cứu triết học và lịch sử khoa học tại Đại học Harvard – là người dẫn đầu nghiên cứu này.
Trong thí nghiệm, Tiến sĩ Rupert đã đề nghị những người tham gia chọn lựa ra 3 người trong số những bạn bè và thành viên gia đình mình. Một trong 3 người đó sẽ được chọn lựa ngẫu nhiên bởi một chiếc máy tính và sẽ được thông báo để thực hiện cuộc gọi. Trước khi biết được ai đang gọi, các đối tượng tham gia sẽ phải đoán xem ai trong số ba người gọi tiềm năng đang ở đầu dây bên kia. Việc này được lặp lại sáu lần cho mỗi đối tượng.
Theo xác suất ngẫu nhiên, những người tham gia sẽ đoán trúng 33,3% (⅓) trong tổng số lần. Và theo lý thuyết này, nếu số lần thí nghiệm càng tăng, thì mức tỷ lệ thành công sẽ càng gần hơn với mức xác suất chuẩn (trong trường hợp này là 33,3%). Tuy nhiên, sau 2.080 lần thí nghiệm, tỷ lệ thành công cho ra là 41,8% – vốn lớn hơn mức xác suất ngẫu nhiên rất nhiều.
Một thí nghiệm tương tự cũng đã được thực hiện, tuy nhiên điểm khác biệt là những người tham gia sẽ chọn ra 2 người để làm những người gọi tiềm năng, khiến tỷ lệ đoán trúng ngẫu nhiên là 50%. Tuy nhiên, sau 745 lần thí nghiệm, tỷ lệ thành công lại là 55,2% – vốn cũng được nhìn nhận là một kết quả có ý nghĩa thống kê.
Được biết, các nghiên cứu về sự tồn tại của hiện tượng thần giao cách cảm qua điện thoại vốn đã từng được tiến hành, tuy nhiên nó chỉ được thực hiện trong môi trường thí nghiệm đối chứng với điện thoại cố định có dây và trong hoàn cảnh các đối tượng được ghi hình để đảm bảo họ không thể gian lận. Còn trong thí nghiệm lần này, điện thoại di động đã được sử dụng, và các đối tượng không bị giám sát.
TS Sheldrake cho biết, ông và nhóm của ông muốn xem xem, “các mô thức kết quả nào mà chúng tôi có thể thu thập được dưới các điều kiện thí nghiệm ‘sinh thái’, trong đó những người tham gia đã sử dụng điện thoại di động trong khi vẫn tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường của mình”.
“Chúng tôi đã không ghi hình hoặc giám sát những người tham gia, và do đó có khả năng một số trong đó đã gian lận. Do đó, chúng tôi không thể đảm bảo các kết quả mang tính tích cực trong những thí nghiệm này là các bằng chứng thuyết phục cho sự tồn tại của hiện tượng thần giao cách cảm”, Sheldrake nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, rất khó có khả năng các đối tượng này đã gian lận ngay cả khi họ không bị giám sát. Thứ nhất, họ không có động lực nào để gian lận. Thứ hai, những người tham gia chỉ được trả tiền để tham gia cuộc nghiên cứu chứ không phải là được trả tiền dựa trên mức tỉ lệ đoán trúng.
Ngoài ra, các mô thức điểm số cũng cho thấy hiện tượng gian lận đã không xảy ra: “Trên lý thuyết những tay gian lận sẽ có các mức điểm số cao hơn, và hầu hết những người còn lại sẽ có mức điểm số ngang với tỷ lệ ngẫu nhiên. Tuy nhiên trên thực tế điểm số của rất nhiều người đều trên mức ngẫu nhiên”, ông nói.
Theo Phunutoday