Quân đội La Mã
Tái hiện đội quân Đế chế La Mã hùng mạnh trong một lễ hội. Ảnh: Photobucket
Theo tạp chí National Interest, quân đội là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá sức mạnh của một quốc gia.
Từ khi con người sinh sống và phát triển trên trái đất đến nay, có hàng nghìn đội quân được thành lập và suy tàn sau những trận đánh.
Sức mạnh của mỗi quân đội quyết định bằng khả năng giành chiến thắng trong những trận đánh ác liệt.
Quân đội La Mã nổi tiếng khắp thế giới khi chinh phạt châu Âu trong hàng trăm năm. Điểm mạnh của họ là sự kiên trì ngay cả khi phải chịu những thất bại thảm khốc.
Sức mạnh và lòng quyết tâm của quân đội La Mã được thể hiện bằng việc họ đánh bại Đế chế Carthage để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất Địa Trung Hải.
Những người chỉ huy cho phép binh lính phát huy các sáng kiến của họ giúp cho quân đội mạnh hơn và chiến thắng trong các trận đánh.
Phần thưởng cho những nỗ lực của binh lính là các đồn điền rộng lớn. Quy định thưởng, phạt nghiêm minh đã thúc đẩy tinh thần và lòng dũng cảm của các binh sĩ ngay trong những trận đánh khó khăn nhất.
Tinh thần là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của quân đội La Mã trong nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, họ có chế độ tuyển quân độc đáo giúp quân đội liên tục có tân binh cho những trận đánh lớn.
Đặc biệt, quân đội được chỉ huy bởi những vị tướng xuất sắc với tài thao lược giúp đánh bại những quốc gia có chiến lược phòng ngự chặt chẽ nhất.
Những kỵ binh Mông Cổ
Kỵ binh Mông Cổ trong một bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Ảnh: Ecranlarge
Quân đội Mông Cổ có quân số tối đa 1 triệu binh sĩ khi họ bắt đầu cuộc chinh phạt vào năm 1206. Họ đánh bại hầu hết các quốc gia ở châu Á và châu Âu ngay cả với những nước có quân đội lớn gấp nhiều lần.
Trong thời gian dài, những kỵ binh Mông Cổ gần như không thể ngăn chặn.
Thành công của đội quân này nhờ vào chiến thuật và chiến lược tài tình của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập Đế chế Mông Cổ.
Điểm mạnh của họ là chiến thuật sử dụng kỵ binh đột kích vào đội hình đối phương với tốc độ cao. Lối đánh này đã giúp họ chinh phạt khắp lục địa Á – Âu.
Lối sống du mục giúp người Mông Cổ di chuyển trên quãng đường dài trong thời gian ngắn một cách đáng kinh ngạc.
Những binh lính có thể sống và chiến đấu trong điều kiện lương thực khó khăn. Sức chịu đựng cao cùng tinh thần mãnh liệt là những yếu tố tạo nên sự thành công của quân đội Mông Cổ.
Đế chế Ottoman
Hỏa lực mạnh là yếu tố quan trọng giúp Đế chế Ottoman thống trị Địa Trung Hải trong thời gian dài. Ảnh: Wikipedia
Quân đội của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) chinh phục hầu hết khu vực Trung Đông, Balkan và Bắc Phi trong thời kỳ hoàng kim của họ kéo dài khoảng 500 năm.
Đội quân này bắt đầu nổi tiếng khắp thế giới khi họ chinh phạt thủ phủ Constantinople của Đế chế Đông La Mã, thành phố được bảo vệ tốt nhất thế giới lúc đó.
Thành công của đế chế Ottoman nhờ vào việc sớm sử dụng pháo và súng hỏa mai trong khi các đối thủ vẫn chiến đấu với vũ khí cỗ điển. Hỏa lực mạnh đã tạo cho quân đội Ottoman sức mạnh tối đa.
Bên cạnh đó, họ tập trung mạnh vào việc sử dụng các đơn vị bộ binh ưu tú Janissary được đào tạo đặc biệt. Đơn vị này thường tiến hành các chiến thuật đột kích luồn sâu, phá vỡ đội hình đối phương.
Quân đội Liên Xô
Chiến sĩ Hồng quân vẫy cờ chiến thắng tại trung tâm thành phố Stalingrad. Ảnh: Wikipedia
Hồng quân là quân đội có quy mô lớn nhất trong Thế chiến II. Sự kiên cường đã giúp họ đánh bại đội quân hùng mạnh nhất của Đức quốc xã.
Sức mạnh của Hồng quân được khẳng định bằng việc đánh bại Tập đoàn quân số 6 của Đức trong trận Stalingrad tháng 2/1943, tạo nên bước ngoặt xoay chuyển cục diện.
Theo ước tính của các nhà sử học, Hồng quân đã đánh bại khoảng 75-80% sức mạnh quân đội Quốc xã trên mặt trận phía Đông góp phần quan trọng trong việc đánh bại phát xít Đức.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, quy mô và sức mạnh quân đội Liên Xô khiến phần lớn châu Âu lo sợ. Điều đó dẫn đến Chiến tranh Lạnh giữa Moscow và Khối NATO kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Quân đội Mỹ
Hải quân Mỹ là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới. Ảnh: U.S Navy
Những năm đầu Chiến tranh thế giới II, Mỹ gần như tìm cách né tránh việc tham gia vào cuộc chiến. Sau thất bại thảm hại ở Trân Châu Cảng, đội quân hùng mạnh này mới chính thức tham chiến.
Quân đội Mỹ lãnh đạo phe Đồng minh ở mặt trận phía Tây bằng cuộc đổ bộ lịch sử lên Normandy, góp phần quan trọng đánh bại quân Đức của Hitler.
Ở mặt trận Thái Bình Dương, Mỹ đánh bại Đế quốc Nhật trong trận đánh quyết định ở Okinawa dẫn đến sự đầu hàng của phát xít Nhật trong tháng 9/1945.
Sức mạnh quân đội Mỹ thể hiện ở chiến thuật tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí công nghệ cao. Ngày nay, Mỹ là quốc gia có quy mô không quân và hải quân lớn nhất thế giới.
Đăng nhận xét